60 đường 30/4, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TPHCM 0919 426 333 (Mr. Hiển) lienhe@ketoansaigon.com.vn
Trang chủ » Thông tư 03/2000/TT-BKH ngày 02.03.2000 hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh
Thông tư 03/2000/TT-BKH ngày 02.03.2000 hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh
Ngày 02/03/2000, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 03/2000/TT-BKH hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo Nghị định của Chính phủ đã được ban hành số 02/2000/NĐ-CP vào ngày 03/02/2000 về hoạt động đăng ký kinh doanh

Bộ kế hoạch và đầu tư

---------------------

Số:     03    /2000/TT-BKH

 

 

CộNG HòA Xã HộI CHủ NGHĩA VIệT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------------------------

Hà nội, ngày   02   tháng 03  năm 2000

Thông tư Hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.

Thực hiện Điều 24, Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể một số điều về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể quy định tại Nghị định này và các mẫu giấy dùng trong đăng ký kinh doanh, như sau:

I.  Đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp

1. Hồ sơ đăng ký kinh doanh

a) Đối với doanh nghiệp tư nhân:

Đơn đăng ký kinh doanh, theo mẫu MĐ-1.

b) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) có hai thành viên trở lên:

- Đơn đăng ký kinh doanh, theo mẫu MĐ-2.

- Điều lệ công ty, có nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2000 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.

- Danh sách thành viên, theo mẫu MDS-1.

c) Đối với công ty cổ phần:

- Đơn đăng ký kinh doanh, theo mẫu MĐ-3.

- Điều lệ công ty, có nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2000 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.

- Danh sách cổ đông sáng lập, theo mẫu MDS-2.

d) Đối với công ty TNHH một thành viên:

- Đơn đăng ký kinh doanh, theo mẫu MĐ-4.

- Điều lệ công ty, có nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2000 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.

đ) Đối với công ty hợp danh:

- Đơn đăng ký kinh doanh, theo mẫu MĐ-5.

- Điều lệ công ty, có nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2000 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.

- Danh sách thành viên, theo mẫu MDS-3.

2. Hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh những ngành, nghề phải có vốn pháp định, phải có chứng chỉ hành nghề

a) Đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề phải có vốn pháp định, thì kèm theo hồ sơ đăng ký kinh doanh quy định tại khoản 1 Mục này phải có thêm xác nhận của cơ quan có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định được xác định theo quy định của luật, pháp lệnh và nghị định quy định về vốn pháp định hoặc chứng chỉ hợp pháp chứng minh về số vốn của doanh nghiệp.

b) Đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP thì kèm theo hồ sơ đăng ký kinh doanh quy định tại khoản 1 Mục này phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của:

- Chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc giám đốc quản lý doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp tư nhân.

- Một trong số những thành viên Hội đồng thành viên, hoặc một trong số những thành viên Hội đồng quản trị, hoặc Chủ tịch công ty, hoặc Giám đốc (Tổng giám đốc), hoặc một trong những chức danh quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên.

- Một trong số những thành viên Hội đồng quản trị, hoặc Giám đốc (Tổng giám đốc), hoặc một trong những chức danh quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định, đối với công ty cổ phần.

- Một trong số những thành viên Hội đồng quản trị, hoặc Chủ tịch công ty, hoặc Giám đốc (Tổng giám đốc), hoặc một trong những chức danh quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định, đối với công ty TNHH một thành viên.

- Tất cả các thành viên hợp danh, đối với công ty hợp danh.

3. Ngành, nghề kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh

Ngoài danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh quy định tại Điều 3 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP, ngành, nghề kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh như sau:

a) Đối với ngành, nghề mà theo các luật, pháp lệnh, nghị định quy định kinh doanh phải có điều kiện, hoặc có vốn pháp định, hoặc có chứng chỉ hành nghề, thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định đó.

b) Đối với các ngành, nghề kinh doanh khác, thì ghi theo danh mục ngành kinh tế quốc dân ban hành kèm theo Quyết định 143TCTK/PPCĐ ngày 22 tháng 12 năm 1993 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

c) Đối với những ngành, nghề doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng chưa được quy định trong các danh mục nói trên, thì Phòng đăng ký kinh doanh trao đổi với cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

Phòng đăng ký kinh doanh thông báo tên những ngành, nghề kinh doanh này cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê.

4. Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh

a) Người thành lập doanh nghiệp lập và nộp một bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh quy định cho từng loại hình doanh nghiệp nêu tại khoản 1, khoản 2 Mục này tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Người thành lập doanh nghiệp có thể giao cho người đại diện của mình nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.

b) Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu  MTB-8 và trao cho người nộp hồ sơ.

c) Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho người thành lập doanh nghiệp, theo mẫu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp MG-1, MG-2, MG-3, MG-4, MG-5, nếu có đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 02/2000/NĐ-CP.

Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ghi số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp gồm mười chữ số, theo quy định như sau:

- Hai chữ số đầu là mã tỉnh, nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, theo mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành kèm theo Thông tư này.

- Hai chữ số tiếp theo là mã loại hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân, mã 01; Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, mã 02; Công ty cổ phần, mã 03; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, mã 04; Công ty hợp danh, mã 05.

- Sáu chữ số còn lại là số thứ tự của doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp cho mỗi loại hình doanh nghiệp.

d) Trường hợp hồ sơ không có đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Mục này, hoặc có nội dung khai không đủ, không thống nhất giữa các giấy tờ trong hồ sơ; hoặc tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác cùng loại hình doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hoặc tên của doanh nghiệp không bảo đảm các quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 24 Luật Doanh nghiệp, thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải thông báo rõ nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung và cách thức sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký kinh doanh cho người thành lập doanh nghiệp, theo mẫu MTB-7.

5. Đăng ký lập chi nhánh, văn phòng đại diện

a) Đăng ký lập chi nhánh, văn phòng đại diện có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính:

- Doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, theo mẫu MTB-1 để đăng ký lập chi nhánh, mẫu MTB-2 để đăng ký lập văn phòng đại diện.

- Khi tiếp nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho doanh nghiệp.

- Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho chi nhánh, theo mẫu MG-7; cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho văn phòng đại diện, theo mẫu MG-8, nếu có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 9 Nghị định số 02/2000/NĐ-CP.

b) Đăng ký lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính:

- Doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi đặt trụ sở của chi nhánh, văn phòng đại diện, theo mẫu MTB-1 để đăng ký lập chi nhánh, mẫu MTB-2 để đăng ký lập văn phòng đại diện; cùng với thông báo phải có thêm bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và bản sao hợp lệ Điều lệ công ty đối với công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh.

- Khi tiếp nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi đặt trụ sở của chi nhánh, văn phòng đại diện phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho doanh nghiệp.

- Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho chi nhánh, theo mẫu  MG-7; cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho văn phòng đại diện, theo mẫu MG-8, nếu có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 9 Nghị định số 02/2000/NĐ-CP.

- Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, theo mẫu MTB-3, để bổ sung hồ sơ đăng ký kinh doanh và ghi vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

c) Khi thay đổi địa chỉ trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, theo mẫu MTB-3 để được ghi vào phần Chứng nhận đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện  để được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc ghi vào phần Chứng nhận đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện.

d) Khi chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện này; đồng thời gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, để ghi vào phần Chứng nhận đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

đ) Trường hợp doanh nghiệp lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày chính thức mở chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, để bổ sung hồ sơ đăng ký kinh doanh và ghi vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi thay đổi địa chỉ hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, để ghi vào phần Chứng nhận đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

6. Đăng ký bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh.

a) Khi bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, theo mẫu MTB-3.

- Nếu ngành, nghề đăng ký bổ sung là ngành, nghề phải có vốn pháp định, thì phải có thêm xác nhận của cơ quan có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định được xác định theo quy định của luật, pháp lệnh và nghị định quy định về vốn pháp định hoặc chứng chỉ hợp pháp chứng minh về số vốn của doanh nghiệp.

- Nếu ngành, nghề đăng ký bổ sung là ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề quy định đối với từng loại hình doanh nghiệp nêu tại điểm b khoản 2 Mục này.

b) Khi tiếp nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho doanh nghiệp.

c) Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ghi vào phần Chứng nhận đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp, nếu có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 02/2000/NĐ-CP.

7. Đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.

a) Đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh:

- Doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, theo mẫu MTB-3.

- Khi tiếp nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho doanh nghiệp.

- Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ghi thay đổi địa chỉ vào phần Chứng nhận đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, nếu có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 11 Nghị định số 02/2000/NĐ-CP.

b) Đăng ký chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh:

- Doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, theo mẫu MTB-3. Đồng thời, gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở mới, kèm theo Điều lệ công ty và danh sách thành viên đối với công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên, danh sách cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, danh sách thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.

- Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh và Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở mới phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho doanh nghiệp.

- Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở mới cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, nếu tên doanh nghiệp không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác cùng loại hình doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp chuyển đến.

- Trường hợp tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác cùng loại hình doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp chuyển đến, thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở mới phải thông báo cho doanh nghiệp biết và hướng dẫn doanh nghiệp chọn tên khác, theo mẫu   MTB-7.

- Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải gửi bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được cấp trước đây cho Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi trước đây doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh.

8. Đăng ký đổi tên doanh nghiệp

a) Khi đổi tên, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, theo mẫu MTB-3.

b) Khi tiếp nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho doanh nghiệp.

c) Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ghi vào phần Chứng nhận đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, nếu tên dự kiến thay đổi của doanh nghiệp không trùng hoặc không gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác cùng loại hình doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và bảo đảm các quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 24 Luật Doanh nghiệp.

d) Trường hợp tên dự kiến thay đổi của doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác cùng loại hình doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc tên dự kiến của doanh nghiệp không bảo đảm các quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 24 Luật Doanh nghiệp, thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải thông báo cho doanh nghiệp biết và hướng dẫn doanh nghiệp chọn tên khác, theo mẫu MTB-7.

9. Đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

a) Đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH, công ty cổ phần:

- Công ty gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi công ty đã đăng ký kinh doanh, theo mẫu MTB-3.

Trường hợp công ty kinh doanh các ngành, nghề đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề mà người đại diện theo pháp luật dự kiến thay đổi là người duy nhất có chứng chỉ hành nghề này, thì kèm theo thông báo phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người đại diện theo pháp luật dự kiến thay thế.

- Khi tiếp nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho công ty.

- Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ghi vào phần Chứng nhận đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty.

b) Đăng ký thay đổi thành viên hợp danh của công ty hợp danh:

- Khi công ty hợp danh tiếp nhận thành viên hợp danh, khai trừ thành viên hợp danh, có thành viên hợp danh rút khỏi công ty, thì công ty gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi công ty đã đăng ký kinh doanh, theo mẫu MTB-3.

Trường hợp công ty hợp danh kinh doanh ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, khi tiếp nhận thành viên hợp danh, kèm theo thông báo phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của thành viên được tiếp nhận.

- Khi tiếp nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho công ty.

- Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ghi vào phần Chứng nhận đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty.

10. Đăng ký thay đổi vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân và vốn điều lệ của công ty

a) Khi thay đổi vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân và vốn điều lệ của công ty, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, theo mẫu MTB-3.

Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề phải có vốn pháp định, khi đăng ký giảm vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc giảm vốn điều lệ đối với công ty, thì mức vốn đăng ký sau khi giảm không được thấp hơn mức vốn pháp định áp dụng đối với ngành nghề đó.

b) Khi tiếp nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho doanh nghiệp.

c) Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ghi vào phần Chứng nhận đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

11. Đăng ký thay đổi thành viên công ty TNHH có hai thành viên trở lên, thành viên góp vốn công ty hợp danh

- Khi công ty TNHH có hai thành viên trở lên thay đổi thành viên mà không làm thay đổi loại hình công ty, công ty hợp danh thay đổi thành viên góp vốn, thì công ty gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, theo mẫu MTB-3.

- Khi tiếp nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho công ty.

- Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ghi vào phần Chứng nhận đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

12. Thông báo doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động

- Trước khi tạm ngừng hoạt động ít nhất mười lăm ngày, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, theo mẫu MTB-4.

- Khi tiếp nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho doanh nghiệp.

13. Thông báo và lưu giữ nội dung đăng ký kinh doanh

Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh, thông báo thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật cùng cấp, Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhận được thông báo tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp..., Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ghi những nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp vào Sổ đăng ký kinh doanh lưu giữ tại Phòng đăng ký kinh doanh.

II. Đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể

1. Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh

a) Cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình nộp đơn đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh, theo mẫu MĐ-6.

Trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề, thì kèm theo đơn phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình.

b) Khi tiếp nhận đơn đăng ký kinh doanh, Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho người nộp đơn.

c) Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận đơn, Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể theo mẫu    MG-6, nếu có đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 02/2000/NĐ-CP.

d) Trường hợp không đủ giấy tờ theo quy định tại điểm a khoản này, hoặc có nội dung khai không đủ, hoặc tên riêng của hộ kinh doanh cá thể trùng với tên riêng của hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký kinh doanh trong cùng địa bàn huyện, quận, thì trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung và cách thức sửa đổi, bổ sung cho người đăng ký kinh doanh, theo mẫu MTB-7.

2. Ngành, nghề kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh

Ngành, nghề kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể thực hiện theo quy định tại khoản 3 Mục I Thông tư này.

3. Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh

a) Khi thay đổi nội dung đã đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký, theo mẫu MTB-5.

Trường hợp chuyển sang kinh doanh các ngành, nghề đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề, thì kèm theo thông báo phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình.

b) Khi tiếp nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho hộ kinh doanh cá thể.

c) Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký ghi vào phần Chứng nhận đăng ký thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể.

d) Trường hợp chuyển địa điểm kinh doanh sang quận, huyện khác, hộ kinh doanh cá thể nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký.

Hộ kinh doanh cá thể tiến hành đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh mới.

đ) Trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ ba mươi ngày trở lên, hộ kinh doanh cá thể gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký và cơ quan thuế trực tiếp quản lý, theo mẫu MTB-6.

Khi tiếp nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh phải ghi Giấy biên nhận theo mẫu MTB-8 và trao cho hộ kinh doanh cá thể.

e) Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể phải nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký.

4. Thông báo và lưu giữ nội dung đăng ký kinh doanh

Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể, Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện phải gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh, thông báo việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ quan thuế cùng cấp.

Sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhận được thông báo tạm ngừng kinh doanh..., Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi những nội dung đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể vào Sổ đăng ký kinh doanh lưu giữ tại Phòng đăng ký kinh doanh.

III. Điều khoản thi hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

 

 

 

Nơi nhận:

  • Văn phòng Chính phủ.
  • Cơ quan trung ương các đoàn thể.
  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
  • Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
  • Uỷ ban Nhân dân, Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  • Công báo
  • Các Vụ, Viện thuộc Bộ KH&ĐT
  • Lưu VP, Vụ DN (5b)

Bộ trưởng

Bộ kế hoạch và đầu tư

 

 

 

 

 

 

 

                   Trần Xuân Giá

Copyright © 2016 by ketoansaigon.com.vn
Developed by Saigon Hitech