Theo đó, Thông tư này quy định về việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp để đánh giá việc tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế trong các nghiệp vụ quản lý thuế, gồm: Đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế và các nghiệp vụ quản lý thuế khác trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ.
Thông qua việc trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính như Tổng cục hải quan, Kho bạc Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính… và các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành khác cũng như thu thập thông tin liên quan đến quản lý thuế từ nước ngoài, Hệ thống thông tin nghiệp vụ của cơ quan Thuế sẽ tự động phân loại người nộp thuế theo 03 loại dựa trên kết quả đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật về thuế: (1) Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế tốt, (2) Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ trung bình, (3) Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ thấp.
Đây là lần đầu tiên các tiêu chí về quản lý rủi ro trong ngành thuế được công bố để cơ quan quản lý nhà nước cũng như người nộp thuế được biết và tuân thủ.
Theo đó, một số tiêu chí để doanh nghiệp được xếp Loại 1 là: nộp thuế đầy đủ, đúng hạn theo quy định; tỷ trọng nộp các loại thuế liên quan đến sản xuất kinh doanh trên doanh số đạt trên mức trung bình của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cùng lĩnh vực, ngành nghề; trong thời gian 02 năm liên tục tính đến ngày đánh giá không bị một trong các hình thức xử lý vi phạm hành chính như trốn thuế, gian lận thuế, không chấp hành quy định về kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Doanh nghiệp sẽ bị xếp Loại 3 nếu thuộc một số trường hợp như: chưa kê khai, nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế đầy đủ, đúng hạn ít nhất 1/3 (một phần ba) số tờ khai theo quy định trong vòng 12 tháng; có số lỗ lũy kế vượt quá 50% vốn chủ sở hữu tính đến thời điểm đánh giá; trong thời gian 02 năm liên tục trở về trước tính đến ngày đánh giá bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành hính về các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Doanh nghiệp Loại 2 là những doanh nghiệp không thuộc các trường hợp quy định đối với doanh nghiệp Loại 1 và Loại 3.
Trên cơ sở kết quả phân loại doanh nghiệp theo mức độ tuân thủ pháp luật về thuế và các nguồn thông tin khác, cơ quan Thuế đánh giá, xếp hạng mức độ rủi ro của doanh nghiệp trong quản lý thuế, bao gồm 06 hạng từ mức rủi ro rất thấp đến mức rủi ro rất cao và người nộp thuế có thời gian hoạt động dưới 12 tháng. Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ rủi ro này sẽ làm cơ sở cho việc quyết định áp dụng các biện pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với doanh nghiệp như: phân luồng, lập, quản lý danh sách người nộp thuế rủi ro theo từng nghiệp vụ quản lý thuế trong từng thời kỳ (gồm Danh sách trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế, Danh sách trường kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế…); giám sát trọng điểm đối với doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế.
Liên quan đến lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đối với hồ sơ đăng ký giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động, cơ quan Thuế sẽ thực hiện cập nhật trạng thái giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động trên hệ thống ứng dụng đăng ký thuế đối với các trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định hoặc yêu cầu doanh nghiệp hay gửi thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ về thuế trước khi giải thể, phá sản, ngừng hoạt động.
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh