Trước hết, để được đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bạn cần đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ cụ thể các “Tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh ngành bán lẻ theo phương thức đa cấp.
2. Có vốn pháp định theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
3. Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp phù hợp với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
4. Có đủ điều kiện kinh doanh hoặc được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trong trường hợp kinh doanh hàng hóa kinh doanh có điều kiện.
5. Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.
6. Có Quy tắc hoạt động, Chương trình trả thưởng, Chương trình đào tạo cơ bản không trái quy định của pháp luật.
7. Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần phải là những cá nhân chưa từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 14 Nghị định này”.
Theo đó, để được thành lập doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bạn cần đáp ứng các điều kiện cơ bản bao gồm: 1. Công ty thành lập đăng ký vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng; 2. Đăng ký ngành nghề: Bán lẻ theo hình thức đa cấp; 3. Xin giấy phép kinh doanh đa cấp sau khi thành lập doanh nghiệp. Khi xin giấy phép kinh doanh đa cấp doanh nghiệp phải ký quỹ số tiền không thấp hơn 5 tỷ đồng hoặc 5% vốn điều lệ công ty.
Thứ hai, về hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh đa cấp gồm có:
- Đơn đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh đa cấp;
- Bản sao có hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đa cấp;
- Xác nhận của ngân hàng về số tiền ký quỹ theo quy định;
- Bản sao có hiệu lực giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh danh mục hàng hoá có điều kiện;
- Chương trình bán hàng đa cấp theo đúng quy định số 110/2005/NĐ-CP của Chính Phủ;
- Đăng ký chương trình đào tạo người tham gia theo đúng quy định của pháp luật
Thứ ba, các vấn đề cần chú ý khi xác định thông tin ban đầu trong vấn đề thành lập doanh nghiệp kinh doanh đa cấp cụ thể như sau:
1. Xác định tên doanh nghiệp: Việc xác định tên doanh nghiệp cần tuân thủ theo Điều 38, 39, 40, 41 và 42 của Luật Doanh nghiệp 2014.
2. Xác định trụ sở chính của doanh nghiệp: Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
3. Xác định ngành nghề kinh doanh: Việc chọn lựa ngành nghề kinh doanh dịch vụ đa cấp cần đảm bảo không bị pháp luật nghiêm cấm đồng thời cần xác định rõ các nhóm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; các nhóm ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định và các nhóm ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề.
4. Xác định loại hình doanh nghiệp: Việc xác định loại hình doanh nghiệp cần phải phù hợp theo định hướng phát triển doanh nghiệp của bạn, theo đó, bạn có thể xác định doanh nghiệp mà mình muốn thành lập như: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Doanh nghiệp TNHH (1 thành viên, hoặc 2 thành viên trở lên), Doanh nghiệp cổ phần.
5. Xác định vốn điều lệ và vốn pháp định (nếu có)
6. Xác định chức danh quản lý, đại diện hợp pháp của doanh nghiệp (thường là Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc).
Thứ tư, trình tự thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được thực hiện theo các bước sau:
“1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
3. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, sự phối hợp liên thông giữa các cơ quan trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử”.
Trên đây là một số vấn đề cần chú ý khi đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh đa cấp theo quy định hiện nay. Nếu bạn có nhu cầu, bạn có thể liện hệ với công ty Kế toán Sài Gòn để được tư vấn thêm hoặc bạn có thể sử dung các gói dịch vụ thành lập doanh nghiệp của chúng tôi như là cách thức tối ưu, nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm nhất để thực hiện mục tiêu của mình nhé!