Quyền và quy định về người đại diện pháp luật
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
- Trường hợp hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:
+ Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;
+ Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
- Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.
- Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
Quyền kí thông báo thay đổi đại diện pháp luật
Không phải ai trong hội đồng thành viên của doanh nghiệp cũng đều được quyết định thay đổi đại diện pháp luật, quyền kí thông báo này được quy định cụ thể như sau:
- Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trong trường hợp Chủ tịch hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật thì người ký thông báo là chủ tịch Hội đồng thành viên mới được Hội đồng thành viên bầu.
- Chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là cá nhân.
- Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là tổ chức.
- Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần. Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật thì người ký thông báo là Chủ tịch hội đồng quản trị mới được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị bầu.
Hồ sơ thay đổi người đại diện pháp luật
1. Doanh nghiệp tư nhân
- Thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân (có chữ ký của người bán, người mua)
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người mua: Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;
- Hợp đồng mua bán và các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;
2. Công ty TNHH Một Thành Viên
- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật (do chủ sở hữu công ty hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty ký)
- Quyết định bằng văn bản về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty (do chủ sở hữu công ty ký). Quyết định phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người thay thế làm đại diện theo pháp luật của công ty
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;
3. Công ty TNHH hai Thành Viên
- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty (do Chủ tịch hội đồng thành viên ký)
- Quyết định bằng văn bản về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của Hội đồng thành viên (do Chủ tịch hội đồng thành viên ký). Quyết định phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty
- Bản sao biên bản họp về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của Hội đồng thành viên (có chữ ký của các thành viên dự họp). Biên bản phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người thay thế làm đại diện theo pháp luật
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;
4. Công ty Cổ Phần
- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty (do Chủ tịch Hội đồng quản trị ký)
- Quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người thay thế làm đại diện theo pháp luật
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;
Những hoạt động cần làm sau khi thay đổi người đại diện pháp luật
- Đăng ký thông tin chủ tài khoản tại ngân hàng;
- Thông báo với bạn hàng, đối tác, cơ quan bảo hiểm
- Đối với công ty có giấy phép sau thành lập như giấy phép kinh doanh lữ hành, giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải, giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự phải thực hiện thủ tục thay đổi các giấy phép này.
- Làm thủ tục kê khai thuế thu nhập cá nhân của người chuyển nhượng vốn của người đại diện mới.
Dịch vụ thay đổi người đại diện pháp luật
Đăng ký thay đổi người đại diện pháp luật là cả một quá trình dài, với nhiều thủ tục pháp lý cực kì rắc rối, nó có thể khiến bạn mất nhiều thời gian và dễ xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện. Do đó, bạn nên sử dụng dịch vụ đăng ký thay đổi người đại diện pháp luật tại công ty Kế toán Sài Gòn, chúng tôi sẽ thay bạn hoàn tất thủ tục này trong thời gian ngắn nhất có thể.